Tại sao nói "cơm hến" nổi tiếng ngang với "Bún bò Huế?

Cơm hến sẽ cho ta cảm nhận được vị ngọt của hến, vị đậm đà của ruốc, vị chua của khế, vị chát của trái vả, chuối xanh và cay nồng của ớt, và gần 20 chất liệu khác. 

Cơm hến ở Huế được bán khá nhiều, trong những gánh hàng rong mỗi buổi sớm mai với tiếng rao dịu dàng của các o, các mệ; hoặc ở các quán dọc đường Trương Định. Nhưng chỉ có cơm hến ở Cồn Hến (phường Vĩ Dạ) là ngon nhất. Bởi Cồn Hến nổi lên trên dòng sông Hương, nước sông chảy qua địa phận này trở nên trong vắt, ít phù sa và chất phèn. Đáy sông lại có lớp bùn sâu tích tụ, thích hợp với loài hến. Do vậy hến ở đây ngon nổi tiếng. Kiểu bán cơm hến ở đây cũng đa dạng. Du khách có thể ăn cơm hến trong những quán hàng. Nhưng đa số họ đều thích ngồi quanh bên gánh hàng rong ở một góc đường làng trên những chiếc ghế nhựa nhỏ xinh. Ở đó, khách và chủ có thể chuyện trò thoải mái và người ăn được “nêm” gia vị một cách vô tư.Ngoài cơm hến, Huế còn nổi tiếng về các loại bánh: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc. 

Bánh bèo hình dáng nhỏ xinh như cánh bèo Nhật Bản, làm bằng bột gạo, nhân bánh làm bằng tôm chấy, ăn với nước mắm ngọt. Nguyên liệu bánh nậm cũng gần giống bánh bèo, nhưng được gói bằng lá chuối trước khi hấp chín. Bánh bột lọc được làm bằng củ sắn (còn gọi là củ mì, được mài nhỏ, sau đó lọc lấy tinh bột). Nhân bánh là tôm và thịt heo mỡ kho rim. Khi luộc có thể gói bằng lá chuối, hoặc để trần. Thông thường các quán bán hàng đều có đủ 3 vị bánh trên. Trước đây, khách đến thăm nhà, người Huế có thể tự chế biến các loại bánh trên để mời khách. Nhưng bây giờ thì đa số đều mời nhau ở các quán chuyên bán bánh đặc sản Huế. Ở Huế có nhiều quán bánh bèo, nậm, nhưng được khách ưa chuộng là quán bánh bà Cư ở đường Nguyễn Huệ, bà Đỏ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. 



Bún bò Huế cũng là món ăn nổi tiếng và được nhiều khách phương xa biết đến. Ăn bún bò Huế để cảm nhận cái chất ngọt thanh với đủ mùi gia vị. Mùi sả, mùi ruốc, mùi xương hầm, mùi thịt luộc, mùi chanh, mùi rau, mùi tiêu hành, nước mắm… quyện vào nhau tạo thành đặc sản bún bò có sức hấp dẫn lạ lùng, rất riêng của Huế. Điều đặc biệt là những quán bún bình dân lại nổi tiếng về chất lượng. Những quán bún ở đường Nguyễn Du thường bán vào buổi chiều. 15 giờ hằng ngày đã thấy khách ngồi khá đông, có khi chờ cả tiếng đồng hồ mới có bún. Hay bún “mụ Rớt” ở sau lưng chùa Diệu Đế, bún Lệ ở đường Điện Biên Phủ, đều là những địa chỉ hấp dẫn cho khách du lịch mỗi lần đến Huế.

Bánh khoái Thượng Tứ ở Huế là đặc sản đã làm say lòng nhiều du khách trong và ngoài nước: Bánh được làm từ bột gạo. Nhân bánh được làm bằng tôm, thịt nạc, nấm xào chung với nhau. Bánh khoái thường ăn kèm với trái vả, chuối chát, rau sống. Sở dĩ bánh khoái Thượng Tứ ngon hơn những quán khác là nhờ bí quyết pha chế nước lèo của gia chủ.

Nếu khách không có đủ thời gian để rong ruổi hết những địa điểm với những món bánh Huế, thì chỉ cần một cuốc taxi về biệt phủ Thảo Nhi ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng (trên đường đi tham quan lăng Khải Định), cách TP Huế khoảng 7 km. Ở đây có tất cả các loại bánh, bún như trên, đáp ứng nhu cầu của khách. Ngoài thưởng thức đặc sản Huế, du khách còn được thư giãn trong khung cảnh một ngôi nhà rường được phục chế lại công phu, tại một khu vườn ngoại ô xanh mát.

Đến Huế, du khách cũng đừng quên tìm hiểu món cơm cung đình, hay còn gọi là cơm vua, là món ăn độc đáo, không chỉ làm cho khách ta mà cả khách tây ngẩn ngơ, thán phục bởi thực đơn cơm vua được chọn từ 8 đến 10 món đặc sắc trong hàng trăm món ăn đặc sắc của Huế; và không thể thiếu là món nem công, chả phụng, các loại bánh Huế. Món tráng miệng phải là chè hạt sen Tịnh Tâm. Cơm vua không chỉ biểu hiện cái tài nấu nướng của người Huế, còn biểu hiện nghệ thuật trang trí món ăn đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao. Khách vừa được ăn, lại được mặc trang phục của vua và hoàng hậu, được phục vụ tận tình, chu đáo.

Nguồn: monngonplus.net

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.