Bánh cuốn Phú Thị - đặc sản Thanh Trì


Nhắc tới bánh cuốn, người ta thường nghĩ ngay tới bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội vang danh bấy lâu, hay mới đây là bánh cuốn trứng chan nước của Cao Bằng. Nhưng có một loại bánh cuốn cũng ngon không kém, ấy là bánh cuốn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. 
Cũng giống các loại bánh cuốn khác, bánh cuốn Phú Thị được làm từ gạo tẻ, nhưng phải là thứ hạt tám xoan mới đảm bảo đủ độ dẻo, thơm cho bánh. 

Trước đây gạo thường được ngâm nước, sau đó vớt ra để ráo, rồi cho vào cối đá xay kỹ với chút nước để quyện thành bột ướt. Có nhà sẽ cho vài hạt muối hoặc tí ti gia vị để thêm độ đậm đà cho bánh. Thịt lợn (heo) vai - nơi cuộn chặt những nạc là nạc là nguyên liệu chính làm nhân bánh. Thịt được thái miếng xào cùng nước mắm ngon, bột ngọt, hành củ xắt nhỏ, mộc nhĩ và một số gia vị khác tới khi se se lại sẽ được băm thật nhỏ, thật nhuyễn, để riêng. 

Hiện nay, để tiện dụng, một số gia đình dùng thịt lợn xay sẵn làm nhân, kèm thêm chút nấm hương băm nhỏ; nhưng thịt xay thường nát và bã hơn so với cách làm truyền thống. 

Khác với bánh cuốn Thanh Trì, Cao Bằng (thường có lò tráng bánh nghi ngút khói, tráng tại chỗ, ăn nóng), người Phú Thị thường tráng bánh sẵn ở nhà, từ 3 - 4 giờ sáng, vớt ra cuốn khít với nhân bánh rồi xếp lớp mang giao cho đầu mối hay ra chợ. Nhưng chẳng vì thế mà bánh cuốn Phú Thị mất duyên. Bánh tráng từ sáng, đế tới tối hay cho vào tủ lạnh để hai ngày ăn vẫn ngon. 



Điểm khác biệt của bánh cuốn Phú Thị với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Cao Bằng... là ở lá bánh. Lá bánh Phú Thị dày dặn và trắng bóc, không điểm xuyết lát hành khô, mộc nhĩ như bánh cuốn Thanh Trì. Dày nhưng vẫn dẻo dai, mềm mại, cuốn cùng nhân bánh như cuốn nem, cuốn chả, chấm bát nước dùng được pha bằng nước mắm ngon, bột ngọt, ớt tươi thái chỉ, chanh, nước cốt kho thịt, đưa lên miệng vẫn cảm thấy giòn giòn. 

Nếu lá bánh cuốn Thanh Trì từng được miêu tả là mỏng manh như lụa trắng, điểm lấm tấm lát hành khô được phi giòn tới vàng óng ả hoặc ngả sang màu cánh gián, khi ăn phải gỡ từng lá bánh, rồi mới đưa đũa gắp từng gắp chấm với nước mắm cà cuống hoặc ăn kèm giò, chả; hoặc ở Cao Bằng, bánh được cho vào lò tráng, chín tới thì đập trứng vào, cuộn bánh lại, thả vào bát nước lèo nóng hôi hổi, sóng sánh những miếng thịt lợn nạc được băm nhỏ, lăn tăn những lát hành hoa, mùi thơm; thì ăn bánh cuốn Mễ Sở phải dùng… tay mới đúng kiểu. 

Bởi miếng bánh cuốn Phú Thị dùng đũa gắp thì quá dài, dùng kéo cắt ra thì lại vụn (chả ai ăn kiểu đó như ăn với bánh cuốn Thanh Trì). Cũng chẳng sợ tay lem nhem vì bánh cuốn Phú Thị không được pha cùng dầu mỡ, thế nên có bà già ở chợ quê Mễ Sở cứ tấm tắc: bánh cuốn Phú Thị ăn mãi không chán, không ngán.

Chỉ cách Hà Nội chừng 20 km đường thủy dọc theo tuyến du lịch sông Hồng hoặc chừng 15 km đường đê qua cầu Thanh Trì, rỗi rãi bạn có thể lượn về Phú Thị - một làng quê trù phú, đầy di tích lịch sử như chùa Mễ, chùa Phú Thị, đền Chử Đồng Tử, mộ danh nhân Chu Mạnh Trinh, quê hương của nhà giáo lỗi lạc Dương Quảng Hàm, họa sĩ tài danh Dương Bích Liên, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát… thưởng thức món bánh cuốn mới mẻ và thơm ngon này cũng chẳng có gì là khó khăn. 

Nếu đường xa ngại nỗi đò, xe thì ở Hà Nội và sắp tới đây là Sài Gòn, bạn có thể được thưởng thức bánh cuốn Mễ Sở ở một số nhà hàng, quán xá do anh Nguyễn Khắc Huy - giám đốc điều hành Công ty Gạo Travel, một người con của Phú Thị -cung cấp

Xem thêm : monngonplus.net

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.