Mực một nắng - đặc sản Phan Thiết


Phan Thiết là quê hương của cá, mắm ngon được cả nước truyền tụng. Nhờ cá mắm nhiều mà có lắm cuộc tình duyên mặn mà dí dỏm:

Cô kia bớt tóc cánh tiên
Ghe bầu đi cưới một thiên cá mòi
Chẳng tin giở thử ra coi
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên

MỰC MỘT NẮNG NƯỚNG


Hai năm gần đây, người địa phương và du khách đến Phan Thiết bắt đầu biết đến một món ăn hấp dẫn: Mực nướng phơi một nắng. Du khách thường bảo nhau: "Đến Phan Thiết mà chưa thưởng thức món mực một nắng thì thật là hoài công!..."

Khác với các loại mực khô thông thường, mực một nắng chỉ phơi duy nhất một lần nắng. Việc phơi mực cũng là "kỹ thuật" làm sao để thân ngoài con mực đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói là đạt yêu cầu.

Theo những người chuyên nghề câu mực thì họ hàng nhà mực gồm nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim... nhưng chỉ có mực lá mới chế biến được món mực một nắng ngon. Vì thế, người câu mực luôn ưu tiên câu mực lá hơn là các loại mực khác.Đi câu mực thường vào lúc 1 - 2 giờ sáng. Chiếc thuyền lớn chở các "thúng" ra đến ngoài khơi xa, người câu mực ngồi vào thuyền thúng và bắt đầu công việc của mình. Dưới ánh sáng của bóng đèn tròn, mực lá cứ tự tiến đến gần, người câu mực câu lên khá dễ dàng. Khoảng thời gian câu mực kéo dài từ 2 giờ đêm đến 10 giờ sáng. Câu được con mực nào, họ bỏ lên thuyền, có người chuyên lột da, xẻ mực và treo mực thành hàng lên sợi dây căng sẵn. Lúc thuyền cập bến thì mực lá cũng vừa khô qua một nắng, họ chỉ việc cân hàng giao cho "mối" hoặc điểm thu mua.

Trung bình, một con mực lá nặng từ 200 - 300g, có con nặng 1kg. Giá cả tùy theo mực lớn bé. Mực một nắng cần nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa già. Con mực có mầu trắng tinh, khi nướng chín chuyển sang mầu vàng. Lửa nướng vừa phải, con mực sẽ chín, cả trong cả ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá, con mực chỉ cháy vàng bên ngoài, còn bên trong thịt vẫn sống.

Món mực một nắng không chấm với các loại nước chấm nào khác ngoài tương ớt (cũng giống như mực khô nướng). Khi ăn miếng mực ngọt lịm, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt.

Khách du lịch muốn mua mực một nắng đem về làm quà cho người thân, bạn bè? Người bán sẽ lấy loại mực một nắng (để ở tủ cấp đông) mà giao cho khách. Cẩn thận hơn, nếu du khách có mang theo thùng xốp, đựng đá, thì vận chuyển 5, 6 giờ đồng hồ mực vẫn tươi ngon, nên mực một nắng là món khoái khẩu mỗi khi có bạn ở xa đến chơi, món ăn đầu tiên thết khách bao giờ cũng là món mực nướng một nắng. Bên đĩa mực chín vàng, câu chuyện giữa chủ nhân và khách thêm phần rôm rả.

Nhìn khách thưởng thức, chủ nhân thầm tự hào với hương vị quê nhà chỉ từ con mực lá đơn sơ, nhưng qua tài chế biến, người vùng biển đã giới thiệu với khách khắp các miền đất nước một món ăn độc đáo vùng biển của Nam Trung Bộ.

DÔNG 7 MÓN
Con dông xuất hiện quanh năm, rộ nhất vào mùa mưa (khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch). Dông cái (còn gọi là dông mắm) khiêm tốn với bộ da độc một mầu, còn dông đực (dông thềm) có bộ da nhiều mầu sặc sỡ. Bắt dông có nhiều cách: đào, bẫy, chặn ngách, giăng lưới, dò, thổi... Chỉ riêng cách đánh bẫy cũng phong phú: nào là bẫy ống, bẫy đạp, bẫy cạm, bẫy vòng...

Dông được chia làm nhiều loại: nhỏ nhất có que chò, rồi đến nhông que và lớn nữa là dông thềm. Còn loại dông lão thì tương đối hiếm, nếu bắt được có con nặng gần một kg. Cho dù loại nào, con dông bắt vào tháng chạp cũng được thịt ngon, béo thơm, đúng là "tháng mười dông rạp (ngủ), tháng chạp dông lên".

Gỏi dông là một món được nhiều người ưa thích. Thịt dông trộn với rau sống, nước mắm me là thành món đặc sản vùng biển. Nhưng chỉ cần chế biến thêm chút nữa, nó trở thành một món ẩm thực sang trọng. Dông để nguyên con, chế nước sôi vào khoảng vài phút, rồi cạo nhẹ cho bong sạch lớp da đất, làm sạch ruột. Làm xong, rửa sạch lớp đất đen ở bụng, sau đó vắt ráo nước, rồi đem luộc chín xé lấy thịt và loại bỏ phần xương.
Thịt dông luộc xé nhỏ, đem ướp gia vị: muối, đường, bột ngọt, tỏi (giã nhỏ) cho ngấm, rồi trộn với hành tây, cà rốt, hành khô và rau răm..., thái mấy lát ớt thành những miếng mỏng xéo trang trí lên cho đẹp mắt.
Gỏi dông ăn kèm với bánh tráng nướng rất ngon miệng. Tùy khẩu vị từng người mà có thể thêm vào nước tương cho đậm đà. Miếng bánh tráng vàng rụm, nhai giòn tan quyện cùng chất thịt ngọt mát và vị thơm đặc trưng của loài dông, tạo nên hương vị đậm đà. Nếu có dịp thưởng thức món gỏi dông, bạn sẽ cảm thấy nó không thua kém gì các loại thịt gà.

Trên miền duyên hải cả nước, Bình Thuận là nơi có điều kiện môi trường thuận lợi cho con dông sinh sản và phát triển. Vì vậy, ngoài các món dông nướng, dông luộc, dông xào lăn, dông làm chả, dông nấu canh dưa hồng... quen thuộc, thì gỏi dông chính là một món ăn đặc sản cao cấp của vùng biển Bình Thuận.

Ðặc sản của đồi cát là dông. Dông sống trong hang, sáng tinh mơ ra đồi cát tìm ăn chồi non và uống sương đêm, vì thế mà thịt thơm, săn và ngọt, được xem là một vị thuốc bổ. Thịt dông trắng như thịt gà, mà lại ngọt, bùi và mềm hơn. Xương rất mềm, gần như là sụn. Còn da thì dòn sừn sựt. Tuy nhiên khi chế biến người ta thường lột vứt bỏ vì trông không bắt mắt.

Người Bình Thuận chế biến 7 món thịt dông: Dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng. Món nào cũng ngon. Tuy nhiên, quý bà quý cô có phần ngần ngại khi nhìn những con dông nướng, rô ti hay hấp còn nguyên cả đầu, bốn chân và cái đuôi dài dài. Nhưng đến món gỏi hay chả, khi dông được bằm nhuyễn thì dầu có nhát gan cũng chẳng mấy ai từ chối.

Thật vậy, như với món gỏi dông để nguyên xương được bằm nhỏ, xào chín và trộn với cóc hoặc xoài xắt chỉ, rau thơm, đậu phụng rang dòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào dông, một thứ lá trông giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chát. Gỏi dông ăn với bánh tráng nướng, thứ bánh tráng dày, nhiều mè, nướng vàng rụm, xúc mãi không chán.

Nhưng theo dân sành điệu thì thức ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, rất bùi mà không ngậy, được xem là một loại sơn hào hải vị.Hầu hết các nhà hàng, quán đặc sản ở Phan Thiết đều có món dông, giá bình dân thì 15.000đ, giá cao cấp 30.000đ một dĩa. Cũng nên biết rằng một số quán nhậu ở Sài Gòn cũng có những món này, nhưng khi mang về đây dông ốm đi, không thể sánh với dông tại chỗ.

Xem thêm: monngonplus.net

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.