Đặc sản Quảng Ngãi - chuối ngâm giấm

Chuối ngâm giấm là món đặt sản của người Quảng, người ta thường làm món này để các ông có thứ để nhậu kèm với món thịt xá xíu. Một phần làm cho bữa ăn thêm đỡ ngán vì nhiều thịt mỡ.




Món chuối ngâm giấm là chuối hột còn non, sống, xanh. Đây là loại chuối có rất nhiều hột, thân ngắn, lớn giống như chuối sứ, khi chín vỏ chuối có màu vàng mịn, nạc chuối ngon ngọt nhưng có rất nhiều hột lớn cứng, đen như hột tiêu. Chuối hột khi còn xanh non chẻ dọc ra sẽ thấy bên trong có rất nhiều hột màu trắng, mềm kết thành từng dề. Hột của trái chuối hột chín được dùng như một vị thuốc chữa vài loại bệnh trong đông y Việt Nam. Nếu không có chuối hột có thể dùng chuối sứ còn sống xanh nhưng thành phẩm sẽ không ngon bằng.

Chuẩn bị thau nước sạch vắt vào ít chanh vừa đủ có vị chua gắt; dao mỏng để cắt chuối, dao bào để gọt vỏ chuối, thớt, một cây đũa nhỏ dài.



Sơ chế chuối: Chuối xanh, sống, để nguyên trái, cắt bỏ hai đầu cuống chuối, dùng dao bào gọt sạch vỏ ngoài, rửa qua cho bớt mủ. Đặt trái chuối lên mặt thớt, để một cây đũa sát vào thân trái chuối tiếp xúc với mặt thớt, một tay giữ cả thân chuối lẫn chiếc đũa chắc vào nhau, tay kia dùng dao mỏng cắt ngang thân chuối thật đều thành những lát mỏng chừng 2 - 3 ly, lưỡi dao cắt xuống sẽ bị giữ lại bởi cây đũa làm cho nhát cắt không làm đứt lìa thân chuối, sau khi cắt, những lát chuối vẫn còn dính lại với nhau. Làm đến đâu thả ngâm chìm trong thau nước chanh đến đó cho chuối trắng.

Chuẩn bị nồi nước sôi có cho ít muối vừa đủ nhân nhẩn mặn, một thau nước nguội sạch. Để nước sôi lớn, thả từng vài trái chuối vào luộc, nước vẫn phải sôi khi thả chuối vào, đừng thả chuối vào nhiều quá một lúc, nước sẽ hết sôi. Luộc mỗi đợt chuối chỉ trong khoảng hai phút là tối đa, vớt ra thả ngâm liền vào thau nước nguội có bỏ vài cục đá lạnh càng tốt.

Chuẩn bị hũ, lọ sạch có nắp đậy.

Nấu hỗn hợp giấm đường - không thể cho chính xác phân lượng:

- Sử dụng giấm gốc thực vật như gạo, chuối, nho, thơm... sẽ ngon hơn là giấm công nghiệp. Tùy độ chua của giấm bạn đang có, pha loãng từng ít với chút nước lọc hay không cho có độ chua tùy ý rồi mới thêm đường vào từ từ để thêm vị ngọt nhẹ.
- Nếu thích cho vào một hai muỗng súp nước mắm ngon/nửa lít giấm đường để hỗn hợp có thêm mùi nước mắm.
- Sau cùng khi đã pha được chừng hai lít giấm đường vừa miệng hãy cho vào khoảng 1/2 muỗng cà phê muối, hỗn hợp sẽ đậm đà hơn.
- Nấu sôi hỗn hợp giấm đường, để nguội.
- Dùng tỏi ớt tươi băm hoặc cắt thành lát mỏng; tùy ý dùng thêm ít gừng hoặc giềng cắt sợi thật nhỏ, cho từ từ tỏi ớt vào giấm đường ở mức cay có thể chấp nhận được.

Ngâm chuối: Vớt chuối ra để ráo nước bớt nước rồi đặt trái chuối lên mặt thớt kê hơi nghiêng một chút để khỏi đọng nước, dùng một mặt thớt mỏng khác hay cái đĩa sứ dày, đè lên trái chuối ép nhẹ tay cho chuối hơi dẹp ra, chảy hết nước bên trong cho trái chuối ráo hoàn toàn. Sắp chuối cho đều vào trong hũ, châm giấm đường vào, đậy nắp, để qua hai ngày là bắt đầu ăn được.

Chuối giấm hay dùng ăn kèm thịt heo ba chỉ hay thịt mông luộc, rau thơm. Tùy thích xé nhỏ thả vào tô nước mắm pha chua ngọt như một loại đồ chua ăn kèm để chấm bánh xèo, các thứ gỏi.

Nguồn: monngonplus.net

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.