Nội Dung Thi Đại Học 2017 Có Gì Thay Đổi?

Hôm nay 28/9 là thời hạn Bộ GD&ĐT “chốt” dự thảo phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ 2017 sau thời gian lấy ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Về cơ bản phương án thi/tuyển sinh chính thức không thay đổi nhiều so với dự thảo đã được công bố”.

Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ 2017 đã thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp của giáo viên, chuyên gia giáo dục trong nước và ngoài nước với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Vậy, Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến này như thế nào? Có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế không? môn toán có tiếp tục thi trắc nghiệm không?... Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Thưa thứ trưởng, sau thời gian lấy ý kiến đóng góp về dự thảo phương án thi năm 2017, Bộ tiếp thu các ý kiến ra sao? Bộ nhận định về các ý kiến này như thế nào?

Sau khi công bố dự thảo phương án thi/tuyển sinh 2017, Bộ đã tổ chức họp thảo luận với đại diện các sở GDĐT, đại diện các trường ĐH, CĐ, trường THPT; họp với các chuyên gia các bộ môn thi, đồng thời tiếp nhận góp ý của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, các hội chuyên ngành và ý kiến rộng rãi của dư luận trực tiếp gửi về Bộ hay gián tiếp thông qua các kênh báo chí, truyền thông khác. Tổ công tác của Bộ đã tổng hợp các ý kiến, phân tích với tinh thần cầu thị, lắng nghe. Những ý kiến đóng góp hợp lý và khả thi- dù của chuyên gia hay học sinh, phụ huynh- đều được tiếp thu để hoàn thiện phương án cuối cùng trước khi công bố chính thức

Phần lớn các ý kiến đều nhận định kỳ thi nhẹ nhàng (rút từ 4 ngày thi xuống còn 2 ngày thi), tổ chức gọn nhẹ (mỗi địa phương chỉ còn 1 cụm thi do sở GD ĐT chủ trì), đảm bảo độ tin cậy và khách quan của kết quả thi (thi trắc nghiệm khách quan đa số các môn thi, trừ môn Ngữ văn). Dư luận bày tổ sự đồng tình ủng hộ dự thảo phương án của Bộ nằm trong lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh đã được khởi động từ năm 2015.

Một số ý kiến còn băn khoăn về 2 điểm mới của phương án đó là việc tổ chức bài thi tổ hợp (bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội) và việc thi trắc nghiệm hầu hết các môn, nhất là môn toán.

Trắc nghiệm môn Toán triển khai từ năm 2017

Về đề nghị hoãn thi trắc nghiệm môn Toán của Hội Toán học, Bộ GD&ĐT có ý kiến gì?

Trước hết cần phải khẳng định mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Mục đích kỳ thi này không nhằm chọn được những thí sinh xuất sắc có năng khiếu chuyên biệt về một bộ môn nào.

Yêu cầu của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá kiến thức tổng quát của thí sinh, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn một cách đơn giản để phân loại tương đối thí sinh: đỗ tốt nghiệp hay không đỗ tốt nghiệp; đủ trình độ học đại học hay không đủ trình độ học đại học.

Vì thế đề thi có phần cơ bản, thí sinh làm hết phần này có thể đỗ tốt nghiệp THPT; có phần phân hóa để phục vụ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Những trường ĐH có yêu cầu cao về một bộ môn nào đó có thể tổ chức đánh giá thêm năng lực chuyên biệt với những thí sinh đã qua sơ tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia để lựa chọn được những thí sinh phù hợp.

Với mục đích và yêu cầu như trên thì thi tự luận hay thi trắc nghiệm môn toán đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên trong điều kiện tổ chức thi cho số đông với hàng triệu thí sinh tham gia thì thi trắc nghiệm thể hiện tính ưu việt hơn, cả về phương diện tổ chức kỳ thi lẫn tính khách quan và độ tin cậy của kết quả thi.

Từ năm 2007 Bộ đã có chủ trương tổ chức thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngay sau đó Bộ đã triển khai thi trắc nghiệm cho 4 môn thi: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Hơn 10 năm qua, việc thi trắc nghiệm các môn này thể hiện được tính ưu việt so với thi tự luận trước đó và được giáo viên, học sinh và xã hội ủng hộ.

Năm 2010 Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, trong đó có hướng dẫn biên soạn đề trắc nghiệm khách quan (TNKQ) các môn học.

Từ năm học 2011-2012 đến nay, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học hằng năm, Bộ đều yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường và các đã yêu cầu giáo viên các trường THPT ra đề kiểm tra cần kết hợp hình thức tự luận và hình thức TNKQ. Vì vậy, việc ra đề và thi, kiểm tra đối với tất cả các môn học, trong đó có môn toán, theo hình thức TNKQ không phải là vấn đề mới đối với giáo viên và học sinh các trường THPT

Năm 2013 Bộ đã giao cho ĐHQG Hà Nội thực hiện thi đánh giá năng lực hoàn toàn bằng TNKQ để tuyển sinh ĐH. 3 năm nay kỳ thi đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thí sinh dự thi. ĐHGQ Hà Nội đã phân tích, so sánh kết quả môn toán của thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (trắc nghiệm) và kỳ thi THPT quốc gia (tự luận). Các kết quả này rất tương thích.

Vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn và đảm bảo chất lượng. Cùng với ngân hàng đề thi đã chuẩn hóa của ĐHQG Hà Nội, Bộ GDĐT đã và đang tập hợp đội ngũ đông đảo chuyên gia nhiều kinh nghiệm tiếp tục bổ sung cập nhật câu hỏi. Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết về xây dựng ngân hàng đề thi. Đầu tháng 10-2016 các chuyên gia đề thi sẽ bắt đầu làm việc.

Tất cả những sự chuẩn bị kỹ từ trước cũng như kế hoạch cụ thể công việc sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới, Bộ thấy rằng việc tổ chức thi trắc nghiệm môn toán cũng như các môn thi khác hoàn toàn có thể triển khai từ năm 2017.



Câu hỏi trong bài thi tổ hợp sẽ tăng lên

Ngoài môn Toán thi trắc nghiệm, dư luận còn băn khoăn khá nhiều về bài thi tổ hợp vì sẽ gây ra học lệch và không đảm bảo tính phân loại thí sinh để xét tuyển vào đại học?

Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng bài thi theo hình thức tổ hợp-một bài thi có nhiều môn thành phần nên dư luận băn khoăn là điều dễ hiểu. Băn khoăn của học sinh, phụ huynh về việc này tập trung chủ yếu ở việc tổ chức thi các bài thi này như thế nào để đảm bảo công bằng, cách tính điểm ra sao và điểm liệt khi xét tốt nghiệp THPT.

Để đảm bảo công bằng của kỳ thi cũng như công tác xét tuyển ĐH sau này, Bộ sẽ có quy định để không có tình trạng thí sinh sử dụng thời gian dành cho ba môn thi của bài thi tổ hợp để làm chỉ một môn thi phục vụ cho xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo đó, mỗi môn thi thành phần sẽ có thời gian làm bài cố định, hết giờ làm bài môn này thì thí sinh phải nộp lại để chuyển sang làm bài thi môn khác. Đồng thời điểm liệt được qui định đối với từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Mặt khác một số ý kiến băn khoăn về số lượng câu hỏi mỗi môn thi thành phần chỉ 20 câu hơi ít, không đảm bảo tính phân loại thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ. Bộ tiếp thu ý kiến này.

Số câu hỏi của mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ tăng lên. Thời gian dành cho mỗi môn thi thành phần cũng sẽ tăng lên tương ứng với số câu hỏi so với dự thảo phương án đã công bố. Tuy thời gian thi một số bài thi tăng lên, nhưng kỳ thi vẫn được giữ tổ chức trong hai ngày.

Sau khi hết thời gian góp ý, Dự thảo này có phải sửa đổi nhiều để đưa vào Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học không thưa Thứ trưởng?

Về cơ bản phương án thi/tuyển sinh chính thức không thay đổi nhiều so với dự thảo đã được công bố. Sau khi phân tích, tiếp thu ý kiến của các Sở GD ĐT, các trường ĐH, CĐ, của các chuyên gia, phương án thi/tuyển sinh năm 2017 chính thức có một số điều chỉnh kỹ thuật để nâng cao độ tin cậy của kỳ thi: tăng số câu hỏi của mỗi môn thi thành phần trong các bài thi tổ hợp, tăng số câu hỏi của bài thi ngoại ngữ, thời gian làm bài của các bài thi tổ hợp, điểm liệt của các bài thi/môn thi cũng được qui định cụ thể, tỉ lệ chỉ tiêu các trường dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo các khối thi truyền thống cũng được qui định.

Những điều chỉnh này sẽ phù hợp hơn cho kỳ thi 2 mục đích, giúp cho thí sinh đã ôn tập từ trước theo các khối thi truyền thống không bị ảnh hưởng. Ngoài ra để giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng như cải thiện kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh, phương án thi chính thức sẽ có thêm qui định nếu thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn thì bài thi tự chọn nào có điểm cao hơn sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Nguồn: baogiaoduconline.com

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.