Nguyên Nhân Chính Gây Bạo Lực Học Đường Là Gì?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường là giáo dục trong nhà trường, cụ thể ở nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân còn nặng về lý thuyết.

Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở nhiều địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, bạo lực học đường đang diễn ra hết sức phức tạp. Không chỉ nam sinh đánh nhau, mà khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, cử chỉ thô bạo. Nhiều vụ việc đã gây hậu quả rất nghiêm trọng.



Nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng di động để quay video và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho hành vi bạo lực này. "Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, làm đau lòng người làm giáo dục và gây bức xúc xã hội", Thứ trưởng nói.

Bà Nghĩa khẳng định, ngay khi biết thông tin về việc học sinh đánh nhau, Bộ Giáo dục đã liên hệ trực tiếp, có văn bản chỉ đạo các Sở kiểm tra nắm tình hình, xử lý nghiêm cá nhân liên quan và đưa giải pháp không để bạo lực tái diễn.

Về nguyên nhân của bạo lực học đường, theo Thứ trưởng Nghĩa, xuất phát từ nhiều phía: học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, lối sống, do gia đình, nhà trường và xã hội. "Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh", Thứ trưởng Nghĩa nói.

Để giải quyết nguyên nhân đến từ phía nhà trường, Bộ Giáo dục sẽ đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học Đạo đức. Giáo dục công dân được đưa thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống sẽ được tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các trường cũng đẩy mạnh công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học.

Trước đó, liên tiếp các vụ bạo lực trong giới học trò đã xảy ra như: hai nữ sinh ở Quảng Trị đánh nhau trong tiếng reo hò; nhóm học sinh ở Hải Dương đánh và trấn lột tiền của bạn cùng lớp (ngày 22/10); nữ sinh Thanh Hóa đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook (30/9)...

Quỳnh Trang

Nguồn: baogiaoduconline.com

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.